Vị trí định cư của người bắc 54 ở miền nam Bắc_54

Nhiều người bắc 54 đã định cư ở các khu vực ven biển như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận (nơi nhiều người làm nghề đánh bắt cá), Đồng Nai (nơi nhiều người làm nghề trồng trọt và chăn nuôi). Hoặc tại các thành phố như Sài Gòn hoặc Biên Hòa. Biên Hòa sau này sẽ trở thành địa điểm chống cự quy mô nhỏ với chính quyền mới trong những tháng đầu sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ năm 1975, vì sự tập trung cao độ của những người bắc 54 (có cả thiên chúa giáo và không phải thiên chúa giáo) chống cộng sản cũ và con cháu của họ đã di cư vào miền nam Việt Nam năm 1954-1955.

Vị thế của những người miền Bắc di cư tại nơi ở mới được quyết định bởi mối quan hệ của họ với chính quyền Ngô Đình Diệm. Sự xuất hiện quá nhiều của những người Thiên chúa giáo trong lực lượng quân đội và dân sự của chính quyền Diệm luôn là một trong những chủ đề trong các cuộc tranh luận về vai trò của người miền Bắc di cư năm 1954. Sự hiện diện quá mức của những người Thiên chúa giáo này ảnh hưởng sâu sắc lên tiến trình chính trị của Việt Nam Cộng hòa cả trong và sau thời kỳ Ngô Đình Diệm.[9]

Đa số người di cư là người Thiên chúa giáo nên Giáo hội Thiên chúa giáo ở miền Nam cũng phải đối phó với những thách thức gắn liền với việc đồng hóa một đoàn người Công giáo nhập cư có quy mô còn lớn hơn cả bản thân giáo hội miền Nam. Theo thống kê của Hoa Kỳ, vào năm 1954 cả Việt Nam có hơn 1,9 triệu tín đồ Thiên chúa giáo, trong đó hơn 1,4 triệu người ở miền Bắc, và gần 900.000 người đã vào Nam. Giáo hội miền Nam còn gặp khó khăn khi văn hóa của các tín đồ hai miền rất khác nhau. Thái độ lo sợ bị những người phi Thiên chúa giáo đe dọa và biệt lập tôn giáo của những người miền Bắc lớn hơn những người miền Nam do Pháp đã cố tình tạo ra mâu thuẫn tôn giáo ở miền Bắc nhiều hơn ở miền Nam và cũng do Nhà Nguyễn không ủng hộ Thiên chúa giáo. Ngoài những khó khăn thì Giáo hội có một thuận lợi là tất cả tín đồ đều theo một hệ thống giáo điều và nghi lễ.[10]